OPEC và cuộc nội chiến giá dầu
Theo nhiều chuyên gia, cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 2/6 tới đây sẽ rất “nóng bỏng”, nhưng hầu hết mọi người đều đồng ý rằng tổ chức này sẽ không đóng băng sản lượng.
Ảnh minh họa.
Ả Rập Xê Út, quốc gia sản xuất dầu nhiều nhất OPEC có rất ít lý do để thay đổi chiến lược tăng sản lượng để chiếm thị phần từ tháng 11/2014. Hiện quốc gia này vẫn đang trong vị thế giữ sản lượng để bảo vệ thị phần khỏi ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ.
Mặc dù chiến lược này của Ả Rập Xê Út đã đem lại kết quả khi ngành khai thác dầu Mỹ phải ngừng tiến trình “bùng nổ” của mình. Thậm chí nhiều nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC khác cũng đã phải giảm sản lượng trước tình trạng giá dầu giảm.
Sản lượng dầu mỏ (triệu thùng/ngày) của Ả Rập Xê Út (màu xanh bên trái) và giá dầu Brent (USD/thùng- màu nâu bên phải) tính đến tháng 2/2016.
Tuy nhiên, việc giá dầu ở mức thấp quá lâu đang khiến gia tăng tăng những đề nghị về việc đóng băng hay cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu.
Thay đổi sản lượng trong khoảng tháng 11/2014-5/2016 (nghìn thùng/ngày).
Dẫu vậy, khả năng thay đổi sản lượng trong cuộc họp tới là rất nhỏ.
Hiện OPEC đang bị chia rẽ rất lớn về kế hoạch sản lượng trong thời gian tới của các nước thành viên. Những kỳ vọng về một thỏa thuận đóng băng sản lượng đã hoàn toàn bị dập tắt khi giá dầu tăng nhẹ thời gian qua và cả Ả Rập Xê Út lẫn Iran đều bất đồng quan điểm về sản lượng mục tiêu.
Trong khi đó, những thành viên OPEC khác tại Trung Đông lại đang ngồi chờ đợi xem tình hình thế nào bởi chi phí sản xất dầu của họ thấp và dân số không nhiều.
Ngoài ra, các thành viên OPEC ngoài Trung Đông cũng đang gặp hàng loạt các khó khăn. Tại Venezuela, quốc gia này đã phải bán vàng dự trữ do thiếu ngoại tệ và khủng hoảng kinh tế nặng kể từ khi giá dầu giảm sâu.
Venezuela đang phải bán vàng dự trữ (triệu troy ounce) (1 troy ounce = 31,103 gr)
Ở Algeria, quốc gia này không còn đủ khả năng khôi phục sản lượng lại như trước đây do bất ổn kinh tế và hiện đang có thâm hụt tài khoản vãng lai lần đầu tiên trong 1 thập kỷ qua.
Dẫu vậy, một số chuyên gia vẫn hy vọng OPEC sẽ thay đổi quan điểm khi nhiều bộ trưởng năng lượng mới sẽ tham dự cuộc họp tới đây và những nhà lãnh đạo này sẽ có ít gánh nặng hơn trong việc duy trì chính sách, quan điểm của người tiền nhiệm.
Tuy nhiên, những gương mặt mới này sẽ có ít kinh nghiệm trong việc hợp tác, thỏa thuận để đi đến một chính sách chung có lợi cho tất cả các thành viên OPEC.
Hiện trong 13 vị bộ trưởng, chỉ có 4 người là vẫn tại nhiệm từ khi OPEC đi đến thống nhất không cắt giảm sản lượng vào năm 2014.
Thời gian tại nhiệm của các bộ trưởng năng lượng sẽ tham dự cuộc họp OPEC tới đây (tháng).
Theo Tri Thức Trẻ